Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Tê bàn tay, đau cổ tay vì làm việc liên tục với chuột máy tính

29/09/2022 (18:11:00)

Hội chứng ống cổ tay là căn bệnh gặp ở những người làm văn phòng nhiều hơn các nhóm khác. Đa số bệnh nhân chủ quan, chỉ đi khám khi bệnh đã nặng.

Hội chứng ống cổ tay thường gặp ở nữ nhiều hơn nam giới. Ảnh: Unsplas.

Trong bữa cơm gia đình, Bùi Huyền (28 tuổi, nhân viên truyền thông) cầm đũa để lấy thức ăn nhưng bàn tay bỗng đau nhói, đôi đũa rơi xuống sàn nhà. Đây không phải lần đầu cô gặp tình trạng này.

Suốt vài năm gần đây, cách vài tháng, Huyền lại bị đau nhức bàn tay. "Cứ thời điểm nào công ty có dự án mới, cường độ làm việc cao, phải sử dụng máy tính liên tục, bàn tay của tôi lại đau nhức, đặc biệt là tay bên phải do thường xuyên dùng chuột", Huyền chia sẻ.

"Những lần đầu, tôi thấy phần cổ tay, ngón cái và ngón trỏ hơi mỏi. Nhưng khối lượng công việc nhiều nên tôi thường làm cố cho xong, không muốn nghỉ để phải mang việc về nhà. Càng ngày, tình trạng này càng nặng hơn. Từ cảm giác mỏi, chúng chuyển thành đau nhói, tê ở các ngón tay", cô nhớ lại.

Tương tự, Thùy Dung (27 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng thường xuyên xuất hiện cơn đau ở bàn tay và cánh tay hơn một năm nay. Thời gian đầu, cô cảm thấy buồn bực, tê ở phần cổ tay và ngón cái. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cảm giác này gia tăng rõ rệt.

"Một số thời điểm, không chỉ thấy căng, đau cánh tay, đầu các ngón tay của tôi cũng có cảm giác đau khi gõ phím. Mỗi khi dùng smartphone quá 10-15 phút, đầu ngón tay cũng bị gai và tê, rất khó chịu". Thùy Dung kể.

Nhận định về trường hợp của Bùi Huyền và Thùy Dung, BSCKI Nguyễn Hữu Khánh, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TP.HCM, chi biết với các triệu chứng trên sẽ nghĩ ngay đến hội chứng ống cổ tay. Bởi việc chèn ép ngay cổ tay sẽ làm tê các ngón, chứ không có tê cánh tay.

Nếu hai bạn nữ trên cảm thấy tê cả bàn tay và cánh tay, nguyên nhân có thể nằm ở cổ. Các bác sĩ sẽ nghĩ tới thoát vị đĩa đệm cột sống cổ do ngồi lâu làm chèn ép dây thần kinh từ cổ.

Theo Medical News Today, tại Mỹ, cứ 1.000 người thì có 1-3 người bị ảnh hưởng bởi hội chứng ống cổ tay. Độ tuổi hay ghi nhận bệnh này nhất là 40-60 và một số ngành nghề làm gia tăng nguy cơ bị bệnh này.

Theo bác sĩ Khánh, nhiều năm gần đây, số người trẻ đi khám vì tê bàn tay, do hội chứng ống cổ tay tăng dần. Trong nhóm người trẻ bị hội chứng ống cổ tay, nhân viên văn phòng chiếm đa số.

Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay (có yếu tố giới tính, tuổi tác, di truyền, bệnh khác), một trong số đó là việc thường xuyên dùng tay để điều khiển chuột, lái xe (vặn ga), tỳ đè không đúng cách, làm hẹp đường hầm giải phẫu của cổ tay. Việc này khiến dây thần kinh giữa bị chèn ép, làm tê ngón tay (đặc biệt là 3 ngón cái ,trỏ, giữa), bệnh nặng lâu dần làm teo cơ ô mô cái.

Người trẻ đi khám do hội chứng ống cổ tay tăng

Hội chứng ống cổ tay (Carpal Tunnel Syndrome) xảy ra do các bất thường trong giải phẫu ống cổ tay. Đây là một đường hầm nhỏ nhằm bảo vệ dây thần kinh giữa, bề rộng khoảng 2 cm. Đi trong ống cổ tay có dây thần kinh giữa và các gân gấp ngón tay lên bám vào cẳng tay. Vì các cấu trúc đi qua ống cổ tay là cố định, đường hầm ống cổ tay tương đối chật hẹp và có rất ít khả năng thay đổi kích thước. Trong khi đó, dây thần kinh giữa lại mềm nhất, nằm nông nhất nên dễ bị tổn thương do chèn ép.

Hội chứng ống cổ tay khá phổ biến trong các phòng khám thần kinh, chấn thương chỉnh hình. Người bệnh đến khám chủ yếu với tình trạng tê 3 đầu ngón tay như trên, đặc biệt là về đêm hoặc sáng ngủ dậy tê buốt như kim chích vào lòng bàn tay.

Hoi chung ong co tay anh 1

Bùi Huyền cảm thấy đau nhức bàn tay và cánh tay mỗi khi phải làm việc với ngường độ cao trên máy tính. Ảnh: NVCC.

Mỗi lần thấy đau, Huyền "chữa cháy" bằng cách dán cao hoặc thoa dầu nóng vào vùng bị đau. Cảm giác nóng từ cao dán và dầu cũng giúp cô cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là cách tạm thời.

"Công việc bận rộn không cho phép tôi để tay được nghỉ. Tôi dán cao và sau đó vẫn phải tiếp tục làm việc. Vấn đề này còn gây khó chịu khi tôi lái xe máy. Có lần chạy xe máy được một đoạn, cổ tay đau và tê khiến tôi phải bỏ ra và lập tức dừng xe. Tôi nghĩ vấn đề này chưa nghiêm trọng đến mức cần đi khám, chỉ cần nghỉ ngơi sẽ hết ", Bùi Huyền nói.

Nhiều đồng nghiệp cũng gặp cảm giác đau bàn tay và cánh tay tương tự Thùy Dung. Mọi người thường mách nhau cách massage bàn tay để đỡ cảm giác đau. Dung cho biết cách này cũng có tác dụng nhưng chỉ trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, cô quyết định mua thêm dụng cụ đỡ ở phần cổ tay, giảm áp lực lên phần này để có thể thoải mái làm việc trong thời gian dài hơn. "Cách này cũng chỉ giảm bớt sự khó chịu một chút. Nhiều lần tay nhức mỏi không làm việc được, tôi bực bội, dễ cáu gắt với những người xunh quanh", Dung nói.

Theo bác sĩ Hữu Khánh, độ tuổi thường gặp là từ thanh thiếu niên đến trung niên, nữ giới gặp nhiều hơn nam giới, đặc biệt là người sử dụng cổ tay nhiều. Cụ thể là các công việc liên quan đến việc lặp lại cùng một chuyển động với cổ tay trong một thời gian dài. Những công việc đó có thể là: Người làm việc văn phòng, công nhân dây chuyền lắp ráp, tài xế lái xe, thợ thủ công, thợ làm bánh, thợ cắt tóc, đánh máy, nhạc công.

Hoi chung ong co tay anh 2

Hội chứng ống cổ tay khá phổ biến trong các phòng khám thần kinh, chấn thương chỉnh hình. Ảnh: Tricurioso.

Nếu bạn cảm thấy tê, ngứa ran hoặc yếu ngón tay cái và tình trạng này càng ngày càng nặng dần theo thời gian, hãy nghĩ đến hội chứng ống cổ tay đầu tiên.

Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay bao gồm:

- Cảm giác các ngón tay sưng phồng mơ hồ.

- Tê bì tay, châm chích, nóng rát và đau đớn, xảy ra chủ yếu ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần ngón đeo nhẫn. Triệu chứng tê bì đôi khi lan lên cẳng tay và cánh tay.

- Nặng hơn sẽ có tình trạng ngón tay yếu, đau cơ, chuột rút, teo cơ và có thể gây khó khăn cho việc thực hiện các động tác mà bình thường vẫn làm tốt như cầm nắm đồ vật, cài nút quần áo, sử dụng điện thoại, lái xe hoặc đọc sách...

- Đánh rơi đồ vật do cảm giác bàn tay tê liệt hoặc mất nhận thức về vị trí của tay trong không gian.

Nhiều bệnh nhân đến khám khi đã nặng

Theo bác sĩ Calvin Q Trịnh, thạc sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng ở Mỹ, hiện công tác tại Bệnh viện 1A (TP.HCM), ban đầu, các triệu chứng chỉ thoáng qua, người bệnh đôi khi không nhận biết được. Chỉ đến khi tình trạng xấu đi, các triệu chứng xảy ra thường xuyên hơn hoặc kéo dài trong thời gian dài hơn, họ mới thấy bất thường và đi khám. Lúc này, tình trạng chèn ép trên thần kinh giữa đã thực sự nặng nề.

Bác sĩ Khánh cho hay khi đến khám bệnh, bác sĩ sẽ làm một số nghiệm pháp để xác định bạn bị hội chứng ống cổ tay, ví dụ dấu hiệu Tinnel (gõ vào cổ tay mặt lòng, khi gõ bạn sẽ tê chói lên 3 ngón cái, trỏ, giữa). Sau đó, bạn được chỉ định đo điện cơ nhằm đánh giá mức độ nhẹ, trung bình, nặng của hội chứng này.

Hoi chung ong co tay anh 3

Nếu bạn cảm thấy tê, ngứa ran hoặc yếu ngón tay cái và tình trạng này càng ngày càng nặng dần theo thời gian, hãy nghĩ đến hội chứng ống cổ tay đầu tiên. Ảnh: Investgenix.

Các phương pháp điều trị như sau:

- Uống thuốc: Bác sĩ lâm sàng sẽ chỉ định thuốc thường được kê là nhóm kháng viêm NSAIDs, nhóm điều trị đau thần kinh (Gabapentin, Pregabalin). Đồng thời, hạn chế các vận động làm gấp hoặc ngửa cổ tay quá mức nhằm giảm áp lực trong ống cổ tay.

- Tiêm kháng viêm vào bao gân: Phương pháp khá được ưa chuộng là tiêm kháng viêm vào bao gân hoặc phong bế dây thần kinh giữa

- Dùng nẹp cổ tay: Phương pháp này có thể thực hiện vào ban đêm hoặc liên tục cả ngày. Những nghiên cứu cho thấy dùng nẹp cổ tay có thể làm cải thiện các triệu chứng sau 4 tuần điều trị.

- Điều trị ngoại khoa: Được áp dụng cho người bệnh ở giai đoạn nặng, có dấu hiệu rối loạn cảm giác, teo cơ hoặc đã điều trị nội khoa nhiều tháng mà tình trạng bệnh không thuyên giảm. Trước đây, phẫu thuật mổ mở kinh điển với đường mổ dọc gan tay hoặc mổ mở nhỏ ít xâm lấn là kỹ thuật thường được sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp mổ nội soi được sử dụng rộng rãi hơn.

Hội chứng ống cổ tay có cách nào phòng tránh?

Bác sĩ Khánh cho hay vận động và nghỉ ngơi đúng cách để giảm thiểu các căng thẳng, áp lực lên cổ tay là cách phòng ngừa hữu hiệu để giảm thiểu khả năng mắc bệnh.

Nếu bạn đang làm các công việc văn phòng phải dùng bàn phím và chuột máy tính liên tục, hãy sử dụng chuột máy tính phù hợp với bàn tay để cảm thấy thoải mái, không bị căng đau cổ tay trong thời gian làm việc dài.

Đồng quan điểm, bác sĩ Calvin Q Trịnh khuyến cáo hãy để bàn tay và cổ tay được nghỉ giải lao thường xuyên. Nhẹ nhàng duỗi và xoa bóp cổ tay định kỳ trong 10 đến 30 giây sau mỗi 15-30 phút làm việc nhiều bằng tay. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn phải sử dụng một lực cổ tay lớn hoặc làm các công việc đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay.

Ngoài ra, ngồi sai tư thế thường xuyên có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở vùng cổ. Điều này có thể cũng sẽ khiến các dây thần kinh ở bàn tay bị tác động gián tiếp. Vì vậy, hãy ngồi đúng tư thế khi làm việc.

Mọi người cũng nên duy trì cân nặng hợp lý, bởi béo phì cũng là nguyên nhân làm hẹp đường hầm ống cổ tay. Hãy hạn chế bia rượu, vì chúng làm giảm chuyển hóa canxi, ức chế quá trình hình thành xương mới, đồng thời gây tăng cảm giác đau tại chỗ viêm.

Trong thời gian nghỉ ngơi, hoặc lý tưởng là cứ sau 20 phút, hãy thực hiện một bài tập kéo giãn. Đây là cách đơn giản mà bạn có thể thử. Đầu tiên nắm đấm lại, sau đó thả các ngón tay ra và duỗi ra hết mức có thể. Lặp lại động tác này từ 5 đến 10 lần.

Bác sĩ Khánh nhấn mạnh tỷ lệ tái phát cao nếu người làm việc vẫn sử dụng cổ tay lặp đi lặp lại như các khuyến cáo trên. Sau phẫu thuật ống cổ tay, bạn hoàn toàn có thể sẽ bị tái phát hội chứng ống cổ tay một lần nữa. Nguy cơ tái phát ước tính rơi vào khoảng 10-15%.

Mặc dù tình trạng tái phát vẫn có thể được giải quyết bằng việc tiến hành thêm một cuộc phẫu thuật nữa, nhưng kết quả của phẫu thuật lần 2 thường sẽ không khả quan như lần đầu.

Phương Anh

Theo: ZINGNEWS.VN


Sức khỏe (Tin trước)