Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Lần đầu làm thêm, phỏng vấn xin việc xong mới biết công ty lừa đảo

02/10/2022 (06:35:04)

Kết thúc buổi phỏng vấn xin việc đầu tiên, Hoài Thịnh vui mừng vì sắp có việc làm thêm. Thế nhưng, ngày hôm sau, nữ sinh liền nghe tin công ty bị công an dẹp vì buôn bán trái phép.

Nhiều sinh viên khi đi làm thêm gặp phải công ty lừa đảo. Ảnh: Forbes.

"Alo Hoài Thịnh ơi, công an vừa dẹp cái công ty buôn bán trái phép máy bắn tốc độ này. Ở Hà Nội đấy, hay công ty em làm không chừng".

Vừa nghe tin tức này, Hoài Thịnh đã nhắn tin cho người đã phỏng vấn tuyển dụng cô vào ngày hôm qua để xác nhận. Kết quả, cô không nhận được phản hồi nào. Công việc làm thêm đầu tiên của cô chỉ kéo dài chưa đầy một ngày.

Dở khóc dở cười khi tìm việc làm thêm

Đầu học kỳ 2 năm thứ nhất ở Học viện Ngoại giao, Hoài Thịnh đã bắt đầu tìm kiếm công việc làm thêm liên quan đến content, sales, luật để có kinh nghiệm và thu nhập chi trả sinh hoạt phí hàng tháng. Với mục tiêu này, cô đã "rải" CV đến rất nhiều công ty. Tuy nhiên, cô không nhận được phản hồi nào vì thiếu kinh nghiệm làm việc.

Không từ bỏ, Hoài Thịnh tiếp tục mang CV "trống trơn" kinh nghiệm của bản thân "rải" ở các nhóm tuyển dụng trên mạng xã hội. Kết quả, cô được một công ty buôn bán máy phát hiện bắn tốc độ gọi đến để hẹn ngày phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp.

Đúng ngày hẹn, Hoài Thịnh tới văn phòng làm việc và được phỏng vấn khoảng 10 phút. Sau đó, cô gặp một nữ nhân viên để làm quen với kịch bản sales máy phát hiện bắn tốc độ. Lúc này, Hoài Thịnh bất ngờ khi công việc được nhận liên quan đến sale mà không phải là content như cô đã ứng tuyển trong CV. Tuy nhiên, Hoài Thịnh vẫn tặc lưỡi cho qua vì nghĩ "lần đầu mà, làm gì chẳng được".

Lam them bi lua dao anh 1

Hoài Thịnh đi làm thêm từ học kỳ 2 năm nhất đại học.

Sau cuộc phỏng vấn này, Hoài Thịnh thành công nhận được công việc làm thêm đầu tiên ở công ty buôn bán máy phát hiện bắn tốc độ. Nữ sinh viên vui mừng khoe với hàng xóm là bản thân đã có việc làm, không còn thất nghiệp.

Thế nhưng, ngay tối hôm sau, cô thất vọng khi biết tin công ty bị công an bắt vì buôn bán trái phép máy bắn tốc độ.

"Phải mất hơn một năm sau đó, tôi mới vượt qua cú sốc tâm lý đầu đời này và đi nộp hồ sơ ứng tuyển ở công ty khác. Không chỉ có tôi, nhiều bạn bè của tôi khi đi xin việc làm thêm cũng gặp các trường hợp lừa đảo nhân viên. Một số người bị rủ rê đi bán tăm, người ứng tuyển làm trợ giảng trung tâm tiếng Anh lại phải đi phát tờ rơi 4 tiếng/ngày", Hoài Thịnh nói.

Tương tự, sau khi nhập học khoảng một tháng, Nông Thị Phượng (21 tuổi) - sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) - bắt đầu tìm kiếm công việc làm thêm.

Công việc đầu tiên của Phượng ở Hà Nội là bán quần áo. Tuy nhiên, do nơi làm việc xa trường học, lại không có xe máy để di chuyển, Phượng đã xin nghỉ.

Một tháng sau, nữ sinh vô tình thấy thông tin tuyển dụng về công việc soát vé xem phim trên một website với mức lương là 300.000 đồng/giờ. Cô tới địa chỉ ghi trong thông báo tuyển dụng để ứng tuyển nhưng đó không phải là rạp chiếu phim. Phượng nghi ngờ đây là địa chỉ "ma" vì nơi tuyển dụng là một căn nhà, vài nhân viên đang ngồi xem máy tính.

Lam them bi lua dao anh 2

Nông Thị Phượng đi làm thêm sớm để có thu nhập sinh hoạt hàng tháng.

Tại đây, Phượng được yêu cầu nộp trước 250.000 đồng kèm chứng minh nhân dân. Sau đó, cô nhận bảng giá vé của các bộ phim để về học thuộc. Một tuần sau, Phượng mới được làm việc chính thức.

"Nghe yêu cầu này, tôi chắc chắn đây là lừa đảo vì không có nhân viên soát vé nào lại phải học thuộc bảng giá vé xem phim. Khi họ đòi chứng minh nhân dân và tiền, tôi đã nói để quên ở nhà, xin phép về lấy. Sau đó, tôi liền ra ngoài và đi về nhà luôn, không quay lại nữa", Phượng kể.

Đa dạng hình thức lừa đảo, sinh viên cần cảnh giác

Không chỉ có Phượng và Hoài Thịnh, nhiều sinh viên khác cũng từng gặp phải các công ty lừa đảo khi đi xin việc làm thêm. Chia sẻ với Zing, anh Nguyễn Thành Đông, Bí thư Đoàn trường ĐH Tài chính Marketing, cho biết đã tiếp xúc các trường hợp sinh viên đi làm thêm bị lừa đảo. Những sinh viên này đều bị mất tiền và tinh thần hoang mang.

Theo anh Thành Đông, các hình thức lừa đảo mà sinh viên thường gặp khi đi xin việc làm thêm là bị buộc ký hợp đồng cam kết thời gian làm việc với chính sách không hợp lý, nếu vi phạm sẽ bị trừ lương, nghỉ việc trước thời hạn không được thanh toán lương. Một số trường hợp sau khi nhận lương, sinh viên bị trừ khoản tiền lớn với thông báo kèm theo là "trừ tiền mua đồng phục công ty".

Trường hợp đặc biệt nhất mà anh Đông từng gặp là sinh viên bị các công ty kinh doanh đa cấp yêu cầu mua tiền ảo, sản phẩm giá trị lớn và phải giới thiệu thêm bạn bè để được chia lợi nhuận.

Anh Đông cho biết các công ty lừa đảo thường có nhiều dấu hiệu đáng nghi ngờ như tuyển dụng nhanh, không đòi hỏi hồ sơ tiêu chuẩn, yêu cầu đóng tiền thế chân, tiền đồng phục không hợp lý hoặc làm việc online với thu nhập cao ngất ngưỡng, việc nhẹ lương cao.

Để tránh gặp phải các công ty có biểu hiện lừa đảo, từ kinh nghiệm bản thân, Hoài Thịnh khuyên sinh viên trước khi ứng tuyển nên tìm hiểu kỹ công ty và sản phẩm/dịch vụ mà công ty đang bán, xem công ty có vi phạm pháp luật hay gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng hay không. Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần tham khảo đánh giá của bạn bè, người quen về công ty mà bản thân muốn ứng tuyển (nếu có).

"Khi phát hiện công ty là lừa đảo hoặc đa cấp, các bạn cần chấm dứt hoàn toàn mọi liên hệ với người đã lôi kéo mình vào. Sau đó, bạn nên tố cáo các đối tượng này lên cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, khi đi làm thêm, bạn nên hỏi rõ chế độ lương, thưởng, thời gian làm việc, quyền lợi liên quan để tránh bị bóc lột sức lao động", Hoài Thịnh nói.

Đã có thời gian, Hoài Thịnh làm thêm tại một công ty luật với mức lương viết bài trên website là 5.000 đồng/bài. Thời điểm đó, Hoài Thịnh nghĩ đây là công việc đúng chuyên môn với ngành học Luật của bản thân nên vui vẻ nhận việc. Sau này, cô nhận ra công việc này không bổ trợ được gì, bản thân cũng bị kiệt sức vì lương thấp.

Đối với các trường hợp sinh viên khi đi xin việc làm thêm bị yêu cầu đưa chứng minh nhân dân, Nông Thị Phượng cho biết sinh viên có thể nói "em để quên ở nhà, em về lấy ngay" rồi thoát thân. Trường hợp sinh viên đã lỡ đưa chứng minh nhân dân, Phượng khuyên nên trình bày "thông tin trong chứng minh của em đang bị sai" hoặc "đây là chứng minh nhân dân cũ" để họ trả lại.

"Sinh viên năm nhất đừng nên vội đi làm thêm. Các bạn có thể dành 2-3 tháng đầu để tiếp xúc và làm quen với môi trường đại học. Khi đã chuẩn bị đầy đủ về kinh nghiệm và suy nghĩ, các bạn mới có thể tìm được công việc phù hợp. Ngoài ra, nếu muốn tìm kiếm các công việc an toàn, bạn có thể hỏi các anh, chị sinh viên đi trước", Phượng nói.

Nguyễn Hằng

Ảnh: NVCC

Theo: ZINGNEWS.VN


Giáo dục (Tin trước)