Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Cú đảo ngược gấp gáp

04/10/2022 (06:02:31)

Dù hủy bỏ quyết định cắt giảm thuế cho những người giàu nhất nước Anh, chính phủ của Thủ tướng Liz Truss vẫn giữ lại nhiều biện pháp gây tranh cãi khác.

Thủ tướng Anh Liz Truss và Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng. Ảnh: Sun.

Chính phủ Anh ngày 3/10 đã quyết định dừng xúc tiến kế hoạch bãi bỏ mức thuế thu nhập tối đa 45% - động thái được cho sẽ có lợi cho những người có thu nhập siêu cao - trước những phản ứng dữ dội từ thị trường.

Trong tuyên bố ngày 3/10, Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng nói việc cắt giảm thuế cho người giàu khiến dư luận “phân tâm” khỏi gói biện pháp giảm thuế lớn hơn của chính phủ, vốn hướng đến mục tiêu đối phó với khủng hoảng năng lượng.

“Chúng tôi đã hiểu và chúng tôi đã lắng nghe”, ông Kwarteng nói, theo Guardian.

Dù vậy, động thái trên được coi là một bước lùi lớn đối Thủ tướng Anh Liz Truss, người đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích dù mới nhậm chức không lâu. Bên cạnh đó, chính phủ Anh cũng chưa làm rõ họ sẽ bù đắp khoản ngân sách thâm hụt bằng cách nào.

Bước lùi của tân thủ tướng

Chính phủ Anh rút bỏ kế hoạch chỉ 24 giờ sau khi bà Truss thừa nhận sai sót trong khâu chuẩn bị, nhưng vẫn muốn chúng được thực thi, theo BBC.

Đề xuất cắt giảm thuế lên tới 45 tỷ bảng Anh (khoảng 50,5 tỷ USD) sẽ là động thái lớn nhất trong 50 năm. Theo bà Truss và ông Kwarteng, biện pháp này sẽ giúp đưa nước Anh thoát khỏi tình trạng trì trệ về kinh tế kéo dài nhiều năm.

Dù vậy, điều này cũng đẩy giá trị đồng bảng Anh xuống mức thấp nhất lịch sử so với đồng USD, cũng như khiến thị trường trái phiếu Anh hỗn loạn, khi London sẽ phải tăng vay để bù đắp nguồn chi phí. Lãi suất cho vay tăng cao cũng khiến một số quỹ hưu trí gặp khó khăn.

Trật tự trên thị trường chỉ được thiết lập lại sau khi Ngân hàng Anh (BoE) tuyên bố sẽ mua 65 tỷ bảng (khoảng 73 tỷ USD) trái phiếu chính phủ Anh hôm 28/9.

anh cat giam thue anh 1

BoE đã phải can thiệp để giữ ổn định thị trường. Ảnh: Reuters.

Quyết định cắt giảm thuế mạnh tay đối với những người giàu nhất khi hàng triệu người phải vật lộn chi trả hóa đơn năng lượng và thực phẩm đã gây tranh cãi gay gắt về mặt chính trị.

Trọng động thái hiếm khi xảy ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ trích London khi cho rằng biện pháp này sẽ làm tăng bất bình đẳng, cũng như tăng áp lực lạm phát lên nền kinh tế Anh.

Nhiều cựu bộ trưởng của đảng Bảo thủ như Michael Gove và Grant Shapps cũng đã lên tiếng phản đối kế hoạch. Đã có những dấu hiệu cho thấy phong trào phản đối đã lan rộng, đủ để khiến biện pháp này bị chặn lại nếu được đưa ra Quốc hội.

Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P hôm 30/9 đã giảm triển vọng nợ công của Anh từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”.

“Đánh giá tiêu cực phản ánh những nguy cơ đang gia tăng với vị thế tài chính của nước Anh trong hai năm tới”, S&P ra tuyên bố.

Kế hoạch chưa rõ ràng

Việc đảo ngược kế hoạch giảm thuế cho người giàu chỉ giúp là một phần của gói cắt giảm thuế lớn hơn mà bà Truss mong muốn.

“Động thái này chỉ mang tính biểu tượng”, ông Chris Turner, chuyên gia về thị trường Anh tại tập đoàn tài chính ING, nói với CNN.

Giống như nhiều nền kinh tế phát triển, nước Anh nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế do giá năng lượng tăng cao và việc nâng lãi suất để đối phó với lạm phát.

Dù vậy, kế hoạch tham vọng của bà Truss và ông Kwarteng được cho sẽ còn khiến lãi suất cho vay tăng hơn nữa, điều có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng giá nhà vào năm tới.

anh cat giam thue anh 2

Nước Anh có thể phải đối mặt với khủng hoảng giá nhà nếu lạm phát và lãi suất tiếp tục tăng. Ảnh: Reuters.

Với chương trình mua trái phiếu khẩn cấp, đội ngũ quản lý khủng hoảng tại BoE đã giúp chính phủ Anh có thêm thời gian giải thích chiến lược kinh tế mới cho các nhà đầu tư. Dù vậy, chương trình này dự kiến kết thúc ngày 14/10, trong khi chính phủ Anh mong muốn chỉ công bố kế hoạch ngân sách chi tiết vào ngày 23/11.

Hội nghị của đảng Bảo thủ Anh ngày 3/10 sẽ là cơ hội để ông Kwarteng phục hồi tín nhiệm của thị trường với chính phủ Anh. Ông được cho sẽ khẳng định “cam kết vững chắc của chính phủ với kỷ luật tài chính”, cũng như tuyên bố tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Anh cần đạt mức 2,5%, theo dự thảo bài phát biểu.

Dù vậy, chính phủ Anh đang phải vay khá nhiều để trợ cấp giá năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. London cũng chưa nói rõ liệu họ sẽ bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách do cắt giảm thuế bằng cách nào. Giảm chi tiêu công dường như là viễn cảnh không tránh khỏi.

“Ông Kwarteng vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn thể hiện cam kết đáng tin cậy với sự bền vững về mặt tài chính”, ông Paul Johnson, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính (IFS), nhận định.

“Trừ khi ông ấy đảo ngược một số biện pháp thuế lớn hơn, ông ấy sẽ không có lựa chọn nào ngoài cắt giảm chi tiêu công: An sinh xã hội, các dự án đầu tư hoặc dịch vụ công”, vị chuyên gia nói.

Việt Hà

Theo: ZINGNEWS.VN


Thế giới (Tin trước)