Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Cái sai của năm nhất

01/10/2022 (05:02:38)

"Mình tủi thân, nhớ nhà nữa, gọi điện về nhà mà mình cứ khóc mãi, mà cũng không dám tâm sự với bố mẹ. Phải mất một kỳ học đầu tiên, mình mới quen với cuộc sống ở đại học".

Chuyện tân sinh viên hòa nhập với cuộc sống mới. Ảnh: Pexels.

Thời gian này, các tân sinh viên đang chuẩn bị giấy tờ, gói ghém đồ đạc, chuẩn bị cho cuộc sống mới. Phần lớn các sinh viên năm nhất đều có cảm giác bỡ ngỡ khi bước vào môi trường mới. Những sinh viên đến từ nơi xa còn phải thích nghi với sự thay đổi nơi ăn, chốn ở, việc phải sống một mình.

Những tiếc nuối về năm nhất và thời gian đầu bước vào đại học là không của riêng ai. Bạn có thể gặp mình trong câu chuyện của những bạn trẻ sau đây.

"Im lặng"
Thùy Linh (2000) - Sinh viên năm cuối

Đầu năm nhất, mình quyết định ở ký túc xá, chi phí vừa phải, lại tiện đi học. Phòng mình ở có bốn người, chỉ có mình là học trường khác và là người miền Trung (các bạn còn lại đều là người miền Nam). Lần đầu xa nhà, xa người thân, mình luôn nghĩ sẽ coi những người bạn ở chung ở người thân.

chuyen tan sinh vien anh 1

Thùy Linh phải mất một kỳ đầu tiên để quen với cuộc sống mới.

Tuy nhiên, ngay đêm đầu tiên, mình đã phải ngủ một mình ở phòng do các bạn chưa đến ngày nhập học. Ngoài trời thì mưa, mình cảm thấy sợ và lạc lõng. Sau ngày hôm đó, mình bắt đầu khó chịu với tất cả mọi thứ, từ việc các bạn cùng phòng đổ rác, quét nhà, mình cũng không ưa, mặc dù các bạn không làm gì sai.

Đỉnh điểm, khi cả ba bạn rủ nhau ra ngoài học nhóm (vì cùng trường), mình cảm thấy như bị cô lập, không ai muốn chơi cùng. Mình tủi thân, nhớ nhà nữa, gọi điện về nhà mà mình cứ khóc mãi, mà cũng không dám tâm sự với bố mẹ.

Cứ thế, mình đổ lỗi cho nếp sống vùng miền khác nhau, lịch sinh hoạt khác nhau nên không thể gần gũi với các bạn, khoảng cách ngày càng xa.

Mất một thời gian khá lâu, khi đã quen dần với cuộc sống sinh viên năm nhất, chấp nhận sự khác biệt trong lối sống, văn hóa của người khác, mình chủ động nói chuyện với các bạn nhiều hơn. Và mình nhận ra các bạn rất hòa đồng, vấn đề hóa ra nằm ở mình, do không chịu chia sẻ, cứ im lặng và dẫn tới hiểu lầm.

"Không dám đối diện điểm thấp"
Lê Tùng (1999) - Kỹ sư Cơ khí

Mình đỗ vào ngành Kỹ thuật Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 26,5. Cứ ngỡ đó là điểm số khá ổn để bắt đầu học đại học, nhưng không, mình đã vỡ mộng ngay từ năm nhất.

Xung quanh mình đều là các tân sinh viên rất giỏi, biết vậy nên mình cũng cố gắng học hơn. Bài kiểm tra giữa kỳ đầu tiên của môn Đại số, mình được 7,5 điểm. Điểm số khá ổn, mình chủ quan nên nghĩ cuối kỳ cũng sẽ dễ dàng như vậy.

Và mình đã sốc khi cuối kỳ chỉ đạt điểm 4, thiếu một chút nữa là trượt môn. Từ trạng thái lo lắng, mình chuyển sang thất vọng về bản thân, không dám đối diện với thực tế khi các môn khác cũng chẳng khá khẩm hơn.

Tìm hiểu nguyên nhân, mình nhận ra mình đã không biết cách học. Cách giảng dạy của thầy cô và kiến thức ở đại học rất khác, mình thì vẫn cứ duy trì cách học thời phổ thông, học gì, thi đó, thầy giảng gì thì chỉ biết vậy. Mình không tự học hay tìm hiểu thêm, vì vậy, khi vào bài thi, những kiến thức ngoài lời thầy giảng, mình không hề biết để làm bài.

Cách duy nhất mình phải làm là thích nghi với môi trường mới, cách học mới, chăm chỉ hơn, tích cực trao đổi với giảng viên và bạn học. Từ đó, điểm số của mình cũng cải thiện dần dần, không còn chạm đáy như năm nhất nữa.

"Chán nản vì trượt nguyện vọng 1"
Ngọc Linh (1998) - Chuyên viên Truyền thông

Ngày cấp ba, mình có một niềm yêu thích đặc biệt với ngành Báo chí. Tuy nhiên, hai năm thi đại học liền, mình đều không đỗ nguyện vọng 1. Mình rơi vào trạng thái hụt hẫng, thất vọng và luôn thấy bản thân vô dụng.

chuyen tan sinh vien anh 2

Ngọc Linh từng chán nản vì không học đúng ngành mình yêu thích.

Dù đã quyết định học một ngành học khác, có liên quan một chút đến báo chí, nhưng mình không thoát khỏi cảnh chán nản khi không được học ngành mình thích.

Mọi thứ khi đó với mình cũng lạ lẫm, trường mới, bạn mới, môi trường học cũng khác. Mình bắt đầu chểnh mảng, năm nhất hầu hết đều là các môn đại cương, mình càng lười học hơn. Đi học mình cũng không nghe giảng nhiều, thay vì ghi bài, mình chỉ chụp lại slide bài giảng, về nhà cũng không thèm xem lại.

Ở tháng thứ ba, mọi thứ mới dần tích cực hơn khi mình chịu khó tham gia các hoạt động của khoa, quen thêm nhiều bạn mới. Mình nhận ra có rất nhiều bạn giống mình, trượt một ngành yêu thích và học ở đây.

Tuy nhiên, các bạn truyền động lực cho mình khá nhiều khi kể cho mình nghe về bề dày lịch sử của trường, khoa, phân tích hướng mình có thể phát triển sau này. Mình bắt đầu suy nghĩ tích cực hơn, định hướng rõ ràng cho bản thân và lên kế hoạch học tập. Dần dà, mình cũng yêu thích ngành mình đang học như báo chí vậy.

"Vung tay quá trán"
Tiến Dũng (2002) - Sinh viên năm ba

Hai năm trước, lần đầu tiên mình xa nhà để lên Hà Nội học. Tháng đầu tiên, bố mẹ chu cấp cho mình 4,5 triệu đồng, bao gồm 1 triệu đồng tiền trọ và dặn mình chi tiêu cẩn thận, mua sắm những thứ cần thiết, chịu khó đi chợ nấu cơm.

chuyen tan sinh vien anh 3

Tiến Dũng từng không làm chủ được chi tiêu, chấp nhận ăn mì tôm cuối tháng.

Nhưng lần đầu tiên cầm số tiền lớn, nhìn thấy gì cũng muốn khám phá, lại là con trai, mình không ngần ngại chi tiền cho việc ăn uống ngoài hàng, mua đồ và ngồi cả đêm ở quán game.

Chuyện gì đến cũng phải đến, mình đã "vung tay quá trán", tiêu hết gần 3 triệu trong vòng hai tuần đầu tiên, mà khi nhìn lại, mình sốc, không rõ đã tiêu những gì. Nửa tháng còn lại, trong người mình chỉ còn khoảng 700.000 đồng.

Không dám gọi về nhà để xin thêm, mình bắt đầu tiết kiệm lại, chỉ dám tiêu những thứ thật cần thiết, vậy mà vài ngày cuối tháng, mình vẫn phải ăn mì gói. Đây là bài học đầu tiên của mình khi bắt đầu cuộc sống tự lập.

Sau tháng đó, mình học cách chi tiêu từ anh chị đi trước, bàn bạc lại với bạn cùng phòng sao cho hợp lý. Mình lập hai tài khoản ngân hàng, chia nhỏ số tiền bố mẹ cho và số tiền mình kiếm được khi đi làm thêm, một tài khoản dùng để chi tiêu và một tài khoản để tiết kiệm.

Mỗi khi đi mua đồ, mình đều lên danh sách trước, tránh tình trạng nhìn gì cũng muốn mua. Việc ăn ngoài hàng cũng hạn chế khi cả phòng chăm nấu cơm hơn. Vì vậy, mỗi tháng mình cũng để ra được một khoản nhỏ, có thể tự mua đồ cá nhân mà không cần xin bố mẹ.

Ngọc Bích

Ảnh: NVCC

Theo: ZINGNEWS.VN


Giáo dục (Tin trước)


Cryptocurrency USDT-BTC on BITTREX

Last
Bid
Ask
High
Low
Vol. BTC
Vol. USDT
Open Buy
Open Sell
Giáo dục (Tin mới)
Giáo dục (Tin trước)
Call +84.99.6656.999 for ADS 05