Call +84.99.6656.999 for ADS 01

Bộ trưởng Công an: Không có chủ trương thu sổ hộ khẩu

10/08/2022 (14:03:56)

Chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm
 
 
Chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm

Sáng 10/8, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đặt câu hỏi, gần đây nhân dân rất lo lắng về việc xóa bỏ hộ khẩu giấy, bởi sổ này liên quan đến nhiều lĩnh vực. Bà đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để xử lý những vướng mắc, đặc biệt là đối với người dân không có điều kiện tiếp cận phương tiện hiện đại?

Bộ trưởng Công an Tô Lâm nói việc bỏ hộ khẩu giấy vào 31/12/2022 là theo luật. Bộ sẽ cấp khẩn trương, đầy đủ căn cước công dân gắn chip, là giấy tờ pháp lý để người dân giao dịch, làm thủ tục, không cần xác nhận của cơ quan nào nữa. Từ nay đến cuối năm, các quy định sẽ thay đổi, để cơ quan không bắt buộc người dân phải trình sổ hộ khẩu nữa.

Dẫn phản ánh của cử tri, đại biểu Nguyễn Trường Giang nói khi đến cơ quan công an làm thủ tục, người dân bị thu hộ khẩu giấy. Trong khi đó, người dân khi làm thủ tục ở cơ quan nhà nước như nhập học cho con, nộp hồ sơ xin việc vẫn bị yêu cầu mang sổ hộ khẩu giấy gốc đến đối chiếu. Sổ đã bị thu nên phải đến cơ quan công an xin xác nhận, có hiệu lực trong 6 tháng.

"Rõ ràng chúng ta chưa có sự kết nối liên thông giữa sổ hộ khẩu, căn cước công dân với các thủ tục của cơ quan nhà nước. Sắp tới đến cuối năm 2022, sổ hộ khẩu giấy bị bỏ mà vẫn chưa liên thông như hiện nay sẽ rất rối, gây khó khăn cho người dân", ông Giang phân tích và cho rằng việc này cần có sự vào cuộc của Chính phủ.

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời "việc này chắc là cá biệt, Bộ chưa có chủ trương thu sổ hộ khẩu". Có thể việc thu sổ hộ khẩu ở một điểm, phường hoặc cá nhân nào đấy. Sổ giấy còn giá trị đến ngày 31/12/2022. "Việc người dân bị thu sổ hộ khẩu, rồi lại đi xin giấy xác nhận đều là phát sinh cá biệt. Nếu đại biểu có địa chỉ cụ thể, chúng tôi sẽ kiểm tra và chấn chỉnh. Đây không phải chủ trương chung của Bộ", ông Lâm khẳng định.

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ ngành rà soát văn bản pháp luật có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để sửa đổi cho phù hợp. Ông Lâm dẫn chứng, Bộ Công an nhiều lần đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo là các cháu đến tuổi phải được đi học, không thể vì sổ hộ khẩu mà không được đến trường, gây rất nhiều khó khăn. "Không thể bám vào sổ hộ khẩu để gây khó khăn cho các cháu đi học, rồi bố mẹ phải xin vào chỗ này, chỗ kia", ông Lâm nói.


Đại biểu Nguyễn Trường Giang. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Trường Giang. Ảnh: Media Quốc hội



Vẫn chưa hài lòng, đại biểu Nguyễn Trường Giang tranh luận lần hai với Bộ trưởng Tô Lâm, nói các cử tri nhắn cho ông việc thu sổ hộ khẩu được thực hiện theo Thông tư 55, có hiệu lực từ 1/7/2021, "chứ không phải việc này ở một địa phương nào cả".

Bộ trưởng Công an nói tiếp "vấn đề hiểu không đúng Thông tư 55". Theo quy định, việc thu sổ hộ khẩu chỉ thực hiện khi có sự điều chỉnh thông tin mới, chứ không phải thu đại trà tất cả sổ hộ khẩu. Công an cũng không cấp mới sổ hộ khẩu khi công dân đến điều chỉnh thông tin. "Chúng tôi không có chủ trương thu sổ hộ khẩu để làm khó người dân", ông Lâm nói.

Có thể sửa luật để bổ sung nơi sinh trong hộ chiếu

Về việc một số nước không chấp thuận hộ chiếu phổ thông mẫu mới của Việt Nam, đại biểu Nguyễn Hữu Thông hỏi việc này gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp thì trách nhiệm thuộc về ai và biện pháp khắc phục thế nào?

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định việc cấp hộ chiếu mới được thực hiện theo đúng Luật Xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam, đã được Quốc hội thông qua năm 2019. Tất cả chi tiết được in trên hộ chiếu thực hiện theo đúng quy định của luật.

Hộ chiếu mẫu mới phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhiều nước dùng mẫu này và không ghi nơi sinh. Hộ chiếu Việt Nam đưa ra được đa số nước chấp nhận, trừ ba nước Đức, Tây Ban Nha, Czech. Gần đây, Tây Ban Nha đã chấp nhận hộ chiếu Việt Nam. Cũng có nước bị vướng về vấn đề hộ chiếu giống Việt Nam như Hàn Quốc.

"Chúng tôi thực hiện việc này đúng quy định pháp luật. Một số nước gây khó khăn vì muốn tìm hiểu xem nguồn gốc công dân vào nước họ, ở cụ thể địa phương nào", ông nói, khẳng định "đây chỉ là vấn đề kỹ thuật". Bộ Công an đã có giải pháp khắc phục, trước mắt với công dân thấy cần bổ sung nơi sinh thì Bộ đã bàn với các cơ quan liên quan thêm vào phần bị chú nơi sinh.

Về lâu dài, nếu cần bổ sung nơi sinh thì Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, thống nhất với các cơ quan, báo cáo Quốc hội đề xuất sửa Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó bổ sung thông tin này. "Bộ Công an chủ trì thực hiện việc này nên chúng tôi nhận trách nhiệm", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương hỏi vấn đề cấp hộ chiếu mới có thuận lợi, khó khăn gì cho người dân? Bộ trưởng Tô Lâm nói cơ bản là thuận lợi, hộ chiếu mới cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân, từ việc nhận, cấp, sử dụng, quản lý, thời hạn. Hộ chiếu mới cũng không gây lãng phí. Những hộ chiếu cũ còn giá trị vẫn được sử dụng. Hộ chiếu cũ hết hạn sẽ được đổi. Sắp tới Bộ Công an sẽ áp dụng hộ chiếu điện tử, hộ chiếu gắn chip. "Không có hộ chiếu nào phải bỏ đi, gây lãng phí", ông Lâm nói.

Nêu giải pháp cho vấn đề hộ chiếu mẫu mới không có nơi sinh, đại biểu Nguyễn Quang Huân đề nghị để tạo thuận lợi cho người dân, nên chăng ghi bị chú cho tất cả hộ chiếu phổ thông mẫu mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công an cho biết sẽ bị chú theo nhu cầu của người dân cũng như địa điểm người dân đến. Nếu người dân không cần thì cũng không bị chú vào vì sẽ không phù hợp với quy định của luật.

Tội phạm tận dụng kẽ hở pháp luật để cho vay tín dụng đen

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nêu thực trạng vừa qua tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen rất phức tạp, thủ đoạn tinh vi. Bên cho vay nặng lãi buộc bên đi vay phải sang tên nhà, đất để thế chấp, cầm cố. Khi người vay không trả được nợ do lãi mẹ đẻ lãi con thì chúng sang nhượng nhà, đất đó cho người khác. Cơ quan chức năng khó trong thu thập chứng cứ xử lý. "Bộ Công an có giải pháp gì?", bà chất vấn.

Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận tín dụng đen rất phức tạp. 3 năm qua, Bộ đã phối hợp với các lực lượng thực hiện nhiều biện pháp mạnh để kiềm chế, đẩy lùi, nhưng tình trạng vẫn tiềm ẩn phức tạp, như việc các đối tượng lợi dụng cho vay qua Internet, qua app, hoạt động với quy mô lớn và có sự tham gia của người nước ngoài. Quy mô của hoạt động tín dụng đen cũng rất lớn với hàng trăm nghìn khách hàng, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Thực tế, khách hàng cũng chỉ nhận được 60% số tiền vay.

Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu vay tín dụng đen trong nhân dân còn lớn, nhiều người khó khăn bị các đối tượng lợi dụng. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn, tận dụng kẽ hở giữa hoạt động dân sự và hình sự để cho vay. "Đây là ranh giới rất phức tạp, nếu không thận trọng có thể hình sự hóa các quan hệ dân sự. Nếu không làm nghiêm thì lại bỏ lọt tội phạm", ông Tô Lâm nói.

Bộ trưởng Công an cho biết sẽ tiếp tục tấn công tội phạm tín dụng đen; phát huy sức mạnh các cấp, ngành để trấn áp; nâng cao ý thức, cảnh giác của người dân; phối hợp với ngân hàng để giúp người dân có thể tiếp cận với nguồn vốn chính thống thuận lợi hơn.


Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Media Quốc hội

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Media Quốc hội



Tham gia giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định pháp lý về việc các tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn. Khi vay khách hàng phải nêu rõ mục đích và khả năng trả nợ. Ngân hàng và khách hàng thỏa thuận về thời hạn trả. Khách hàng cũng cần tính toán, dự liệu khả năng và thời gian trả nợ.

Tuy nhiên, trên thực tế có thể vì lý do nào đó khách hàng chưa trả được nợ nên đề nghị ngân hàng cho phép gia hạn. Nếu khách hàng có đơn đề nghị, chứng minh được có khả năng trả nợ theo thời hạn mới thì ngân hàng giải quyết. Nếu khách hàng không đề nghị gia hạn nợ, mà đi vay tiền từ người thân hoặc từ tín dụng đen thì các ngân hàng khó biết.

Đang điều tra vụ đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân

Trả lời đại biểu Siu Hương, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết việc bảo vệ dữ liệu cá nhân được Bộ Công an đang tích cực thực hiện. Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân hiện nay "đáng báo động", trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, ý thức người dân chưa cao.

Theo ông Lâm, Bộ đang xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng gặp nhiều khó khăn. Bộ đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết về bảo vệ dữ liệu cá nhân, sắp tới ban hành. Dự kiến năm 2024, Bộ sẽ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trên thế giới, nhiều nước có bộ luật tương tự.

Về giải pháp, Bộ trưởng Công an cho biết sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia môi trường mạng; tích cực điều tra, xử lý trường hợp làm lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân. "Chúng tôi đang điều tra vụ đối tượng rao bán 30 triệu dữ liệu cá nhân", ông Tô Lâm thông tin.

Về cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, ông Lâm nói đây là tài nguyên của quốc gia, phải được bảo đảm và quản lý rất nghiêm ngặt. Bộ Công an sẽ thực hiện đúng điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn mức độ 4 quốc gia; thực hiện nghiêm việc thu thập dữ liệu, phân cấp, phân quyền từ trung ương đến địa phương. Bộ cũng thường xuyên giám sát kỹ thuật chuyên biệt 24/24h để phòng chống tấn công, đánh cắp dữ liệu hàng ngày, đối phó với hàng nghìn cuộc tấn công dữ liệu quốc gia về dân cư. "Nguy cơ là rất lớn, nhiều cuộc tấn công từ nước ngoài", ông cho hay.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu vấn đề hiện thông tin cá nhân được rao bán trên mạng xã hội, không khó để truy cập. Thời gian qua công an địa phương đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thông tin cá nhân, nhưng còn nhiều đối tượng chưa bị phát hiện, xử lý. Bộ trưởng có giải pháp gì phòng ngừa, ngăn chặn, để người dân yên tâm thông tin của mình không bị trôi nổi trên mạng xã hội?


Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Hoàng Phong

Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Hoàng Phong



Bộ trưởng Tô Lâm cho biết tình trạng này đang diễn ra ngang nhiên, nhiều loại giấy tờ làm giả được rao bán 2-6 triệu đồng, công khai trên mạng. Bộ Công an đã triệt phá nhiều vụ án, đường dây làm giả giấy tờ quy mô lớn, thu giữ hàng nghìn con dấu, phôi bằng cấp, công cụ máy móc.

Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận có thể tự thực hiện hầu hết công đoạn từ làm giả phôi, con dấu, tự đóng dấu, ký. Các đối tượng sẵn sàng nhận làm giả hầu hết bằng cấp, kể cả của trường đại học ngành y, dược và nhiều giấy tờ quan trọng khác.

"Chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền các cơ quan chức năng về thủ đoạn của nhóm đối tượng này, tham mưu, hỗ trợ rà soát, phát hiện trường hợp sử dụng văn bằng, giấy tờ giả để xử lý nghiêm; sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, xử lý đường dây sản xuất giấy tờ giả", Bộ trưởng nói.

Kiến nghị cho phép cá cược thể thao

Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề, tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá cược trên mạng diễn biến phức tạp khó lường. Công an xử lý nhiều nhưng không thuyên giảm mà ngày càng tinh vi hơn. "Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân? Tôi nghĩ đã đến lúc nước ta phải cho phép thực hiện Nghị định về kinh doanh đặt cược thể thao, để quản lý chặt chẽ hơn và được thu thuế, hạn chế tình trạng cá cược trên mạng. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này ra sao?", ông Hòa đặt câu hỏi.

Đại tướng Tô Lâm nói thời gian qua Bộ đã đấu tranh trấn áp các hoạt động đánh bạc, đánh bạc trên mạng, đạt nhiều kết quả. Riêng nửa đầu năm 2022, các cơ quan đã khởi tố 100 vụ án với 600 bị can trong các vụ án đánh bạc và đánh bạc trên mạng. Nhưng tình hình hiện nay còn rất phức tạp. Phần lớn máy chủ đặt tại nước ngoài nên rất khó xử lý triệt để. Triệt phá đường dây này thì nảy sinh đường dây khác. Việc thu thập chứng cứ, củng cố tài liệu xử lý các đối tượng cũng khó khăn do độ ẩn danh lớn, các đối tượng tận dụng công nghệ trên mạng để phạm tội.

Thời gian tới, Bộ Công an nắm tình hình các trang tổ chức đánh bạc, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, nhất là kẻ cầm đầu. Người dân sẽ được tuyên truyền về các hệ lụy của việc tham gia đánh mạng trên mạng để chủ động phòng ngứa, tố giác tội phạm, hỗ trợ lực lượng chức năng đấu tranh với tội phạm này.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc thanh toán trực tuyến đang được lợi dụng để đánh bạc trên mạng. Bộ Công an sẽ phối hợp với cảnh sát các nước trong xử lý đánh bạc và đánh bạc trên mạng, nhất là chia sẻ thông tin, phối hợp xác minh, thu thập chứng cứ, phối hợp điều tra.


Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Media Quốc hội



Sau khi Bộ trưởng Tô Lâm trả lời, đại biểu Phạm Văn Hòa tranh luận việc cá cược bóng đá thời gian qua đã xử lý nhiều nhưng tình hình vẫn gia tăng với mức độ tinh vi hơn. Nguyên nhân là chưa thực hiện nghị định về kinh doanh đặt cược. Nghị định này nghiên cứu nhiều năm mới ban hành và có hiệu lực từ năm 2017, nhưng đến nay chưa thực hiện.

Vì vậy, ông Hòa nhắc lại đã đến lúc cho phép thực hiện cá cược, "để quản lý những người muốn hoạt động mà còn lén lút, thay vì chúng ta không cho mà họ vẫn chơi thì quản lý rất khó". Ông dẫn chứng, Việt Nam đã thí điểm cho phép casino hoạt động, vậy vì sao chưa thí điểm vấn đề cá cược. Nếu chưa cho phép thì cần nêu rõ nguyên nhân. Ông Hòa tiếp tục đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm về vấn đề này.

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời tiếp, dù đã có nghị định về cá cược, Bộ Tài chính và các cơ quan chưa chọn được đơn vị nào để làm đầu mối thực hiện. "Còn quan điểm của chúng tôi, đã có nghị định thì phải thực hiện. Nhưng tìm được doanh nghiệp, cơ quan nào đủ điều kiện tổ chức cá cược thì chưa có. Chúng tôi cũng ủng hộ việc này để giảm bớt tình trạng bất hợp pháp", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói trước khi Luật Thể thao ban hành thì Nghị định 06 cho phép thí điểm cá cược. Bộ Tài chính được giao chủ trì phối hợp tổ chức thực hiện. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét về chuyên môn như quy chuẩn kỹ thuật trường đua có đủ điều kiện; thế nào là một giải đua; kết nối với các liên đoàn bóng đá nắm thông tin. Nhưng đây là lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên có nghị định nhưng những cá cược chưa diễn ra.


Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Media Quốc hội



Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói rõ thêm năm 2017 Chính phủ ban hành Nghị định 06 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Sau đó Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện. Năm 2020, Thủ tướng đã cấp phép chủ trương tổ chức đua ngựa tại trường đua huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Nhưng đến nay, do nhiều vướng mắc nên việc này chưa thực hiện được vì liên quan đến góp vốn của Tổng công ty Du lịch Hà Nội.

Với việc này, Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Còn khi dự án đua ngựa, đua chó hoàn thành, Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh về đặt cược. Đến nay, chưa có dự án nào hoàn thành. Hiện có ba địa phương là Phú Yên, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc đề xuất chủ trương đầu tư trường đua ngựa. Nhưng các địa phương đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa có hồ sơ.

Còn về đặt cược bóng đá quốc tế, Chính phủ quy định phải đấu thầu lựa chọn một doanh nghiệp đứng ra thực hiện kinh doanh đặt cược bóng đá. Nhưng việc này lại vướng Luật Đấu thầu, bởi trong luật không có hình thức đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp mà chỉ có đấu thầu dự án hoặc gói thầu của dự án.

Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, và sẽ sửa Nghị định 06 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi này.

Trung tâm an toàn không gian mạng có thể xử lý 300 triệu tin xấu, sai sự thật mỗi ngày

Trả lời về việc loại bỏ thông tin xấu, độc trên môi trường mạng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thông tin sai sự thật hiện nay chủ yếu trên các nền tảng xuyên biên giới. Nghị định quản lý một số nền tảng xuyên biên giới sắp được sửa đổi và tạo dựng hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý các vấn đề này.

Về kết quả bóc gỡ thông tin sai sự thật, ông Hùng cho biết trước năm 2018, các cơ quan mới làm 5.000 tin, video. Nhưng đến nay thông tin sai sự thật được tháo gỡ đã là 20.000 tin. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trung tâm An toàn không gian mạng quốc gia để phát hiện sớm thông tin xấu độc, sai sự thật có khả năng xử lý 300 triệu tin/ngày.


Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Phạm Thắng

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Phạm Thắng



Bộ cũng thành lập Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam để tiếp nhận xử lý các tin giả. Việc này cũng giống như dọn rác trên không gian mạng. Bộ đang soạn thảo chỉ thị của Thủ tướng, các địa phương, cơ quan lên không gian mạng xử lý rác thuộc lĩnh vực mình quản lý. "Việc dọn rác không chỉ là việc của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an mà còn của tất cả bộ, ngành địa phương và nhân dân", ông Hùng nói.

Đầu năm 2022, Bộ đã xử lý hàng trăm vi phạm, một số vụ, việc có dấu hiệu hình sự đã chuyển sang Bộ Công an. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vi, ứng xử, phát ngôn, các hậu quả có thể gây ra. Các phát ngôn phải có định danh để nâng cao trách nhiệm các phát ngôn nhiều hơn.

Kết luận phiên chất vấn sáng 10/8, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá nhóm vấn đề đưa ra cho Bộ trưởng Công an và lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong hơn ba giờ, có 27 đại biểu đăng ký và 26 đại biểu phát biểu, một đại biểu đăng ký sau sẽ được trả lời bằng văn bản; 11 người phát biểu tranh luận.

Viết Tuân - Sơn Hà

Xem diễn biến chính

Theo: VNEXPRESS.NET


Thời sự (Tin trước)


Cryptocurrency USDT-BTC on BITTREX

Last
Bid
Ask
High
Low
Vol. BTC
Vol. USDT
Open Buy
Open Sell
Thời sự (Tin mới)
Thời sự (Tin trước)
Call +84.99.6656.999 for ADS 05