Call +84.99.6656.999 for ADS 01

'Cái giá' của sự nóng giận

03/10/2022 (17:07:52)

Khi tức giận, tim của bạn sẽ đập nhanh hơn, huyết áp tăng lên, thở nhanh, căng cơ, các hormone như adrenaline và noradrenalin cũng tiết nhiều hơn.

Không ít tổn thương khó lành từ sự tức giận khiến con người tiếc nuối trong thời gian dài. Ảnh: Shutterstock.

Bên cạnh cảm xúc vui vẻ, chúng ta cũng thường gặp cảm xúc bực bội, tức giận. Những cảm xúc tiêu cực này không chỉ tác động đến bản thân mà còn gây tổn thương cho người khác. Không ít tổn thương khó lành từ sự tức giận khiến con người tiếc nuối trong thời gian dài.

Tức giận là dạng phản ứng tự nhiên của con người về mặt cảm xúc mà ai cũng đều sẽ trải qua trong đời. Chúng bắt nguồn từ việc con người bị tấn công, xúc phạm, phản bội hay thất bại. Ngoài ra, sự tức giận còn có thể là triệu chứng của các vấn đề sức khỏe hoặc tâm lý nếu bạn thường xuyên giận dữ, mất kiểm soát hoặc luôn có cảm giác tức giận âm ỉ.

Khi tức giận, tim của bạn sẽ đập nhanh hơn, huyết áp tăng lên, thở nhanh, căng cơ, các hormone như adrenaline và noradrenalin cũng tiết nhiều hơn.

Tức giận có hại cho sức khỏe như thế nào?

Tức giận gây nên các vấn đề về tim mạch

Tim được coi là bộ phận chịu tổn thương nhất khi cơ thể chịu quá nhiều cảm xúc tức giận. Trong 2 giờ sau khi cơn tức giận bộc phát, nguy cơ gây nên một cơn đau tim tăng gấp đôi so với trạng thái bình thường. Sự tức giận kìm nén và điều này lặp đi lặp lặp lại thời gian dài cũng có thể gây nên các vấn đề tim mạch, nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng cao.

Tức giận làm tăng nguy cơ đột quỵ

Một nghiên cứu cho thấy rằng trong vòng 2 giờ bùng phát cơn tức giận, bạn sẽ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 3 lần do nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Đối với những người bị chứng phình mạch ở một trong các động mạch của não bộ, họ có nguy cơ bị vỡ phình mạch cao hơn 6 lần khi giận dữ cao độ.

Tức giận gây tổn hại cho gan

Khi tức giận, cơ thể tự bài tiết ra một chất gọi là catecholamin, cùng với ảnh hưởng từ hệ thần kinh trung ương sẽ làm cho đường huyết trong cơ thể tăng cao. Đây là nguyên nhân gây nên tình trạng tăng huyết áp. Ngoài các vấn đề về huyết áp và tim mạch, chúng còn làm cho axit béo và độc tố tăng cao gây hại cho lá gan rất nhiều.

Tức giận gây tổn thương dạ dày

Khi tức giận sẽ làm cho thần kinh giao cảm hưng phấn, chúng tác động trực tiếp vào tim và trên huyết quản khiến cho lượng máu trong dạ dày và đường ruột giảm mạnh. Việc này làm mất cảm giác ngon miệng và thậm chí còn là nguyên nhân gây viêm loét dạ dày.

Tức giận gây tổn thương phổi

Khi tức giận, cơ thể sẽ thở nhanh và gấp hơn bình thường, phổi phải hoán đổi khí với tần suất cao. Lúc này, bao phổi không ngừng khuếch trương, thời gian thu co giảm xuống liên tục, do đó, cơ quan này sẽ không có thời gian nghỉ ngơi. Đây là nguyên nhân quan trọng gây tổn thương cho lá phổi.

Tức giận làm suy yếu hệ miễn dịch

Khi tức giận, não sẽ ra lệnh cho cơ thể tiết ra chất cortisol do cholesterol chuyển hóa thành. Chất này tích lũy nhiều sẽ gây chướng ngại cho hoạt động của hệ thống miễn dịch, làm cho sức đề kháng của cơ thể yếu đi dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh lý truyền nhiễm.

Tac hai cua tuc gian anh 1

Tức giận làm suy yếu hệ miễn dịch. Ảnh: Nzherald.

Cách kiểm soát cơn tức giận

Hít thở sâu: Cách này giúp điều hòa nhịp thở, lượng máu, oxy lưu thông đến các cơ quan phổi, não và tim hài hòa, tránh bị sốc. Khi các chức năng của từng bộ phận trên hoạt động bình thường, nhịp nhàng với nhau, cơn tức giận của bạn sẽ từ từ biến mất.

Nhiều người hay tức giận thường xuyên có thể tập thiền, yoga hoặc áp dụng bài tập hít thở sâu. Một cách đơn giản là ngồi thoải mái, cho phép cổ và vai bạn được thư giãn hoàn toàn. Sau đó, bạn nhắm hờ mắt lại rồi hít thở sâu bằng mũi, chú ý đến việc hóp bụng, thở ra bằng miệng. Bạn sử dụng bài tập này 3 lần/ngày trong 5 đến 10 phút hoặc khi cần thiết.

Đi dạo hoặc đi ra ngoài khỏi không gian mà bạn cảm thấy tức giận: Bạn nên ra ngoài để hít thở không khí trong lành, đi dạo. Thoát khỏi không gian kín sẽ giúp bạn mau chóng thoải mái hơn và bình tâm trở lại.

Nghe nhạc để thư giãn: Hãy thử nghe một vài bản nhạc mà bạn yêu thích. Nghe nhạc có thể làm cho tâm trí bạn trở lên thoải mái và cảm xúc tiêu cực sẽ lắng xuống nhanh chóng.

Chia sẻ với bạn bè và nghĩ về điều tích cực: Hãy tìm một người bạn hoặc ai đó thấu hiểu được bạn để chia sẻ và cảm thông. Từ đó, bạn sẽ giải tỏa được những áp lực và tìm hướng giải quyết cho vấn đề của bạn. Khi tức giận với người thân thiết, bạn hãy hình dung và nhớ lại những lúc cảm thấy được quan tâm, yêu thương từ người đó. Những ký ức vui vẻ sẽ giúp bạn bình tĩnh lại và giải quyết sự tức giận theo hướng lành mạnh.

Gặp bác sĩ tâm lý: Nếu bạn thường xuyên tức giận kể cả những việc nhỏ nhặt, làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ và hạnh phúc gia đình một cách trầm trọng. Hãy tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý, những nhà trị liệu này sẽ giúp bạn tìm được nguồn cơn của sự tức giận và giải quyết nó.

Tức giận là một cảm xúc tích cực nếu chúng ta biết kiểm soát. Nó giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn, nhưng sẽ gây ra tác hại ngắn hạn cũng như lâu dài cho sức khỏe nếu chúng ta không kiểm soát được. Vì vậy, bạn cần học cách kiểm soát cơn giận dữ, học cách yêu thương và tha thứ. Điều này không chỉ tốt cho các mối quan hệ mà còn có lợi cho sức khỏe của chính bạn.

Bài viết do cử nhân điều dưỡng Đỗ Thị Loan, khoa Khám bệnh Cán bộ cao cấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cung cấp thông tin.

Đỗ Thị Loan

Theo: ZINGNEWS.VN


Sức khỏe (Tin trước)


Cryptocurrency USDT-BTC on BITTREX

Last
Bid
Ask
High
Low
Vol. BTC
Vol. USDT
Open Buy
Open Sell
Sức khỏe (Tin mới)
Sức khỏe (Tin trước)
Call +84.99.6656.999 for ADS 05